Tiểu sử Giang Thanh

Giang Thanh sinh tháng 3 năm 1914 tại Chư Thành, Sơn Đông, Trung Quốc. Người cha làm thợ mộc lúc ấy đã 60 tuổi và rất ngao ngán khi mong mỏi con trai thì lại một đưa con gái ra đời. Người mẹ nuôi nấng Giang Thanh trong sự thiếu quan tâm của gia đình chồng. Bà đặt tên con là Thục Mông.

Khi Thục Mông gần 10 tuổi thì người cha họ Lý mất. Hai mẹ con cô càng khó sống ở quê chồng. Người mẹ liền đưa con gái về quê ngoại ở Tế Nam và ở đấy ông ngoại Thục Mông đã đổi tên cháu thành Vân Hạc với mong muốn cháu gái sau này có cuộc sống sung sướng và nhàn hạ. Tuy nhiên đúng như câu cửa miệng của người đời “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, Vân Hạc đi học mà như ngồi trên lửa nóng không yên. Năm 14 tuổi bà bỏ học đi học kịch hát.

Năm 1929, Vân Hạc vào trường nghệ thuật thực nghiệm tỉnh Sơn Đông và bắt đầu sắm các vai kịch hát và bắt đầu gắn bó đời mình với nghệ thật sân khấu. Ở lĩnh vực này Vân Hạc thể hiện là người có năng khiếu, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, các gánh hát mà cô ta phục vụ giải thể. Vân Hạc lại trở về quê ngoại và ở đây trong hoàn cảnh thúc ép, Vân Hạc kết hôn với một người con trai họ Phí lúc mới 16 tuổi. Cuộc sống gia đình cùng với những tập tục nghiêm ngặt trói buộc người phụ nữ có chồng vẫn rất nặng nề. Cuộc hôn nhân nhanh chóng tan vỡ.

Trong lúc chưa biết làm gì, Vân Hạc lại gặp may khi được Triệu Thái Mậu ông chủ cũ của trường thực nghiệm Sơn Đông, người rất thích giọng hát và phong cách biểu diễn của cô, hiện làm cán bộ quản lý trường đại học Thanh Đảo giúp đỡ. Tại Thanh Đảo, Vân Hạc làm nhân viên quản lý thư viện. Những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào cộng sản phát triển mạnh ở Trung Quốc. Nhiều sinh viên trường Thanh Đảo là thành viên “Mặt trận văn hóa cộng sản”. Vân Hạc đã gặp và đem lòng yêu một sinh viên của thành viên mặt trận đó là Du Khởi Uy. Từ mối quan hệ này Vân Hạc được Du Khởi Uy giới thiệu tham gia các tổ chức thân cộng sản trong đó có “ Ban kịch Hải Tân”. Hoạt động tích cực trong ban kịch và với những vai diễn chống Nhật Bản xâm lược, Vân Hạc được nhiều người biết tới.

Năm 1932, Du Khởi Uy giới thiệu Vân Hạc vào đảng cộng sản Trung Quốc. Vân Hạc và Du Khởi Uy lấy nhau. Cuộc sống gia đình không hôn thú ấy kéo dàì khoảng hai năm thì Du Khởi Uy bị Quốc Dân đảng bắt vào tù. Đây là cú sốc lớn trong cuộc đời Vân Hạc. Cô liền bỏ tổ chức đảng, bỏ cả Du Khởi Uy để về Thượng Hải tìm cơ hội mới. Tại đây, Vân Hạc theo nhóm thanh niên cộng sản rải truyền đơn, diễn kịch chống Quốc Dân đảng. Năm 1934, lúc ấy tròn 20 tuổi, Vân Hạc bị mật vụ Quốc Dân đảng bắt vào tù. Vân Hạc đã tự thú và chỉ bị giam vài tháng rồi được tha.

Sau vụ việc này Vân Hạc một lần nữa đổi tên thành Lam Bình và thử sức trong một số vai diễn ở một gánh hát. Đặc biệt một vai diễn mang tên Nala khiến Lam Bình rất nổi danh. Cái tên Lam Bình và nghiệp diễn đã giúp Lam Bình có vị trí trong giới sân khấu Thượng Hải. Thậm chí năm 1935, được giới yêu nghệ thuật Thượng Hải gọi là năm Nala. 21 tuổi Lam Bình lấy chồng lần thứ ba. Chồng bà là Đường Nạp, làm ở tạp chí Đại công báo. Cuộc sống và những thành công trên sàn diễn ở Thượng Hải tưởng đã là bến đậu của Lam Bình, nhưng rồi sóng gió lại xảy ra. Chưa đầy hai năm Đường Nạp và Lam Bình lại ai đi đường nấy.

Giang Thanh và Mao tại Diên An

Từ bỏ ba người chồng một cách nhẹ nhàng, từ Thục Mông, Vận Hạc tới nay là Lam Bình quyết làm một chuyến phiêu lưu lên vùng rừng núi heo hút Diên An, lúc ấy đang là Thủ đô của lực lượng công sản Trung Quốc. Được một số người hoạt động cộng sản ở Thượng Hải giới thiệu, Lam Bình gặp Ngụy Củng Chi,  là vợ Nguyên soái Diệp Kiếm Anh sau này, giới thiệu tiếp và lọt vào Diên An. Tại đây Lam Bình xin được khôi phục đảng tịch. Cuộc đời Lam Bình từ đây lại bước sang một trang mới.

Đến năm 1938, bà gặp Mao Trạch Đông ở Diên An, hai người sau đó đã kết hôn. Sau khi về ở với nhau, Lam Bình đề nghị Mao Trạch Đông đổi cho mình một cái tên mới để đánh dấu chặng đường đời trở thành đệ nhất phu nhân Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã lấy chữ đầu và chữ cuối trong câu thơ cuối của bài thơ “ Tương linh cổ sức” mà ông thường ngâm là: “Giang biên sổ phòng thanh” đặt cho vợ mới. Đó là Giang Thanh. Năm 1940, Giang Thanh sinh con gái đầu lòng với người chồng thứ tư Mao Trạch Đông. Về phía Mao Trạch Đông đây là đứa con thứ mười và Giang Thanh cũng là người vợ thứ tư của ông. Mao đặt tên con gái là Lý Nạp, lấy chữ Lý trong họ của mẹ.